BÀI ĐĂNG NỖI BẬC

Nhiều doanh nghiệp niêm yết ngược sóng

 (ĐTCK) Kế hoạch kinh doanh được hàng trăm công ty trên sàn chứng khoán công bố gây không ít bất ngờ, với nhiều con số tăng trưởng ấn tượng.

Ngược dòng khó khăn


Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) đã thống nhất trình cổ đông mục tiêu kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8% và 11% so với năm 2022.


Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản khá e dè với kế hoạch kinh doanh năm 2023 thì vẫn có những đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh. Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh với doanh thu 1.145 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 200% và 180% so với năm 2022.


Lãnh đạo Sudico cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ tập trung hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý một số dự án như khu đô thị Nam An Khánh, khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng, khu nhà ở Văn La, khu đô thị Hòa Hải - Đà Nẵng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, Sudico cho biết sẽ không phát triển ồ ạt các dự án.


Hay Công ty cổ phần FPT (mã FPT) đã thông qua chỉ tiêu doanh thu năm 2023 với gần 52.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 19% về doanh thu và tăng hơn 18,3% về lợi nhuận so với năm trước. Dù nằm trong số ít doanh nghiệp (tính đến thời điểm này) đặt kế hoạch tăng trưởng hai con số, song mục tiêu FPT đặt ra được đánh giá là vẫn khá thận trọng khi xét đến tiềm năng của ngành công nghệ.


Theo thống kê của FiinTrade, trong số194 doanh nghiệp phi tài chính đã công bố kế hoạch 2023 tính đến ngày 27/3/2023, số doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chiếm xấp xỉ 40%.


Theo thống kê từ FiinTrade, tính đến ngày 27/3/2023, trong số 7 ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2023, phần lớn đều đưa ra mục tiêu tăng trưởng. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mức 10 - 14%, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức thấp tương đương năm 2022. Với khối doanh nghiệp phi tài chính, trong số 194 doanh nghiệp đã công bố kế hoạch 2023 thì số doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đang chiếm xấp xỉ 40%.


Fiin Trade cũng chỉ ra nhóm doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.


Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhìn nhận sẽ chậm lại trong năm 2023, do triển vọng xuất khẩu kém. Một số ngành được dự báo suy giảm như phân bón, thủy sản, hóa chất và logistics, song một số ngành được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực.


Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong năm 2023, ngành tiêu dùng và bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 23,7% do hầu hết các tác động tiêu cực đến tiêu dùng đã phản ánh trong kết quả kinh doanh năm 2022.


Lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không sẽ chuyển từ âm sang dương trong năm 2023, nhờ lượng khách quốc tế từ Trung Quốc trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số ngành khác cải thiện tăng trưởng lợi nhuận từ mức cơ sở thấp trong năm 2022 như nông nghiệp với mức dự báo tăng trưởng 18,9%, điện 18,7%, hay vật liệu xây dựng tăng trưởng 16,7%.


Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng bằng lần


Trên nền lợi nhuận thấp của năm 2023, một số công ty chứng khoán đã đặt kế hoạch tăng trưởng tính bằng lần so với mức thực hiện trong năm ngoái. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, tăng 279% so với con số 149 tỷ đồng mà BSC đạt được trong năm 2022. Năm ngoái, công ty này chỉ hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận.


Tương tự, Chứng khoán VietinBank (CTS) đã thông qua kế hoạch 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 230 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện năm trước.


Chứng khoán MB (MBS) cũng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay tăng trưởng cao so với năm 2022. Cụ thể, MBS đã lên kế hoạch tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng 37% và 36% so với năm trước.


Hay Chứng khoán VIX đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 540 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với năm 2022.


Đối với doanh nghiệp ngành thép, sự phục hồi của giá thép và hoàn nhập các khoản lỗ tỷ giá là cơ sở cho việc đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc.


Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 ở mức 100 tỷ đồng, tương đương mức tăng 11,5 lần so với mức thực hiện của năm 2022.